Cách phòng trị ruồi vàng hại bưởi

                 5 cách diệt ruồi vàng hại bưởi
Với thời gian trưởng thành ngắn,tốc độ sinh sản nhanh (chỉ 5 – 7 ngày 1 lứa), lại đẻ trứng và ăn hại trực tiếp trên quả,đây quả thực là một thảm họa đối với cây trái trong mùa thu hoạch. Còn nhớ, những năm 2015 ở Hà Nội, có những gia đình, vườn bưởi gần như mất trắng chỉ vì ruồi vàng bùng phát quá mạnh. Giải pháp đưa ra lúc đó là dùng thuốc hóa học, nhưng diệt chưa hết 1 đợt,đợt tiếp theo lại đến. Nghĩ đến cảnh tượng tưởng đó mà người ta không khỏi “xót xa”. Mùa thu hái mà vườn bưởi: tan hoang, xơ xác, lác đác một vài trái còn trên cây nhưng cũng kiểu “cho chẳng ai ăn”.

Ruồi vàng hại bưởi

Để giải quyết tình trạng mất mùa do ruồi vàng, thì phát hiện sớm và xử lý chính xác trở thành nhiệm vụ cấp bách hàng đầu.
Quan sát kỹ tập tính của ruồi vàng,cũng như tham khảo sách báo chuyên ngành,tôi thấy ruồi vàng xuất hiện quanh năm, và thực sự bùng phát khi trái cây đó sắp thu hoạch(ở bưởi Diễn là tháng 10 trở ra).
Thường thì,khi trứng ruồi nở thành nhộng chúng sẽ ăn phần cùi và ruột bên trong làm quả bị thố nhũn, và rụng xuống. Còn phần vỏ ngoài sẽ xuất hiện các chấm đen,sau chuyển vàng có nhựa chảy ra (hiện tượng gỉ mủ), cuối cùng là nâu xám,có những lỗ nhỏ bị đục thủng nhưng không rõ ràng. Quả thực nhìn rất “xấu xí quả bí”!
 

Nói về tác hại của những con ruồi vàng trưởng thành,chúng thường hút chích trực tiếp lên bề mặt quả,làm biến đổi các thành phần bên trong,gây ra hiện tượng thối rụng hàng loạt. Quả còn giữ lại được trên cây thì mất đi vị ngọt vốn có,thay vào là đắng nghe,đắng ngắt không tài nào ăn được. Người người,nhà nhà cũng phải ai oán:
“Khổ quá, ruồi ở đâu mà nhiều như… vỏ trấu, chúng cứ bu kín “đốt” nát cả vườn cây của bà con chúng tôi khiến quả nào cũng bị thối rụng hết như vầy thì còn gì thu hoạch. Mùa trái năm nay coi như vứt hết…!”.

Để giúp bà con khắc phục triệt để tình trạng ruồi vàng hại quả,tôi xin được chia sẻ một số giải pháp ưu việt nhất hiện nay bao gồm:
I. PVP và nano oxyclorua couper
Tác dụng:  tăng sức “đề kháng” cho phần vỏ bưởi,giúp vỏ có thêm 1 lớp màng mỏng bên ngoài,giúp giảm thiểu tác động của ánh nắng mặt trời,chống  lại sự phá hoại của sâu bọ và côn trùng. Sản phẩm còn làm tăng độ đàn hồi,cải thiện độ bền vững  hơn cho vỏ,thế nên hiện tượng thối nhũn,rụng quả cũng ít xảy ra hơn.
Cách dùng: dùng chế phẩm Nano bạc đồng 500ppm phun  đều lên bề mặt quả, dùng tiếp lần 2 cách lần 1 hai tuần,nếu thấy vẫn còn ruồi vàng.

II. Dùng bao bọc bưởi
Tác dụng: như những bài viết trước đây tôi có chia sẻ,túi bọc bưởi được coi là giải pháp đơn giản,tiết kiệm,thân thiện với môi trường,nhưng lại đặc biệt hiệu quả. Với 1 chiếc túi tưởng chừng nhỏ bé những có thể giúp bạn ngăn cản trên 90% tình trạng rám nắng,hầu hết các loại hút chích quả như ong vàng, ve ,bọ xít…
Cách dùng: lựa chọn loại túi có kích thước hợp lý, không thấm nước,đảm bảo độ dày và dai để có thể tái sử dụng. Bên cạnh đó, bao bọc bưởi cũng phải đảm bảo thoáng khí,dễ thoát ẩm để tránh làm vỏ bị thối ủng,không có hóa chất độc hại gây biến đổi thành phần của vỏ,làm mẫu mã giảm sút.  Nên tiến hành khi không còn hiện tượng rụng sinh lý,cũng như cởi bỏ trước thu hoạch 1 vài tuần.
 

III. Bẫy ruồi vàng tự chế
Bà con cũng có thể dễ dàng tạo ra 1 chiếc bẫy tự chế hiệu quả,với chỉ 1 vỏ chai nước bỏ đi,ít dây thép,cụ thể các công đoạn như sau:

  • bước 1 : dùng dao cắt vuông  1 lỗ vừa phải kích thước  4x7cm
  • bước 2: khoan 1 lỗ nhỏ phần nắp để xỏ vừa dây thép
  • bước 3: cho dây thép qua lắp rồi uốn cong phần ở trong,làm sao để nắp chai không bị tuột.
  • bước 4: đổ nước ấm với chút đường vào trong chai
  • bước 5 : đậy lắp lại và treo lên khu vực cần bẫy
Ưu điểm: của cách này là dễ làm,sử dụng những vật phẩm dễ kiếm,không tốn quá nhiều công sức nhưng lại đem hiệu quả lớn,tuy nhiên để đạt hiệu quả bảo vệ trái 100%,thì nên kết hợp với bao bọc bưởi hoặc PVP

IV. Bả tự nhiên
Trên bao điện tử thanhnien.vn chia sẻ kinh nghiệm diệt ruồi vàng rất hay của bác Cúc ở Bình Phước. Giải pháp của bác là sử dụng những nguyên liệu sẵn có ở quê hương ông như: hạt mã tiền,hương nhu,nếp than,chuối chín đã lên men…
Cách này có được hiểu quả là nhờ: “Hạt mã tiền khi ruồi vàng ăn vào sẽ bị ngộ độc mà chết, còn sử dụng cây hương nhu vì có mùi giống ruồi cái dụ ruồi đực tới. Ngoài ra, tôi còn dùng nếp than, chuối chín để lên men nên để thuốc cả tháng ngoài ngoài vườn vẫn còn tác dụng.”
Cầm khay thuốc lên ngửi rồi vô tư nếm thử, bác Cúc chia sẻ: “Thuốc tôi pha chế có mùi nho rất thơm nên dụ được rất nhiều ruồi vàng. Khi ăn mồi bị say thuốc sẽ rơi xuống đất mà chết. Thuốc chỉ dẫn dụ và diệt ruồi vàng, còn côn trùng có lợi như ong mật thì không bị độc. Ngoài ra, do được làm bằng các loại cỏ cây tự nhiên nên các loại gà, vịt ăn phải ruồi vàng đều không bị ảnh hưởng. Giá thành khoảng 20.000 đồng/khay dùng được cả tháng. Cả khu vườn của bác sạch bóng ruồi vàng với phát kiến tuyệt vời này”.


V. Các thuốc diệt ruồi vàng khác
Pheromon Là chất được tiết ra ở các loài côn trùng trong mùa sinh sản,lợi dụng đặc điểm này người ta sử dụng Pheromon để dụ ruồi vàng đến những dạng bẫy tự chế như đã trình bày ở trên. Hoặc kết hợp với một số loại thuốc trừ sâu(không mùi) để loại bỏ ruồi vàng khi chúng tiếp xúc.
Một số chế phẩm khác tương tự như Sofriprotein, metylơgenol, Vizubon-D, Flykil 95EC,Ento-Pro 150SL.. có chứa hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật nhất định,cũng có tác dụng dẫn dụ và tiêu diệt các loại côn trùng,sâu bọ đục quả. Đặc biệt B52.USA  khi dùng kèm với các chất bám dính rồi phun lên quả và tán lá có thể giảm thiểu nhanh dịch ruồi vàng (thường bùng phát vào những tháng cuối năm).
Nói thêm về thuốc diệt ruồi đục trái Vizubon-D(hay Metyl -Eugenol),sản phẩm này có 2 thành phần chính:
Naled (chiếm 25% thành phẩm): là một hoạt chất trừ sâu có tác dụng vị độc, tiếp xúc, xông hơi và thấm sâu dùng để phòng trừ nhiều loại sâu ăn lá, chích hút và nhện hại cây trồng, có hiệu lực cao đối với các loài ruồi, rệp hại lá và trái… được pha chung với chất dẫn dụ, nhằm mục đích tiêu diệt ruồi.
Methyl eugenol (chiếm 75% thành phẩm): là chất dẫn dụ giới tính. Hợp chất hoá học này có hoạt tính sinh học rất cao (tương tự chất tiết dục của con ruồi cái loài Bactrocera dorsalis). Nên chúng có chức năng làm tín hiệu để con ruồi đực (loài Bactrocera dorsalis) dò tìm đến. Khi bay vào bẫy ruồi đực sẽ nhanh chóng bị tiêu diệt bởi thuốc Naled được pha sẵn trong bẫy. Do ruồi đực đã bị tiêu diệt, ruồi cái không còn được giao phối nên không đẻ trứng tạo lứa dòi mới gây hại cho trái cây. Khả năng dẫn dụ của thuốc rất mạnh. Hiệu lực có thể kéo dài tới 15 ngày.


Tóm lại, việc phòng ngừa và tiêu diệt ruồi vàng hại bưởi quả thực không khó như bà con vẫn nghĩ,điều chúng ta cần làm là chủ động,lựa chọn những cách phù hợp với khả năng. Ngoài ra,để nâng cao hiệu quả,ta nên kết hợp 2 hay nhiều biện pháp với nhau,cũng như vận động hàng xóm cùng thực hiện trên diện rộng.

Bài viết liên quan

  • Bệnh chổi rồng trên cây nhãn và những điều cần lưu ý

  • Bệnh vàng lá thối rễ trên cây có múi

  • BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ BỌ TRĨ HẠI SẦU RIÊNG

  • Cách giám định nhanh và xử lý bệnh vàng lá gân xanh trên cây bưởi da xanh

  • Khắc phục hiện tượng nứt quả trên cây có múi

  • Kỹ thuật phòng trừ sâu đục cuống quả vải

  • PHÒNG TRỪ BỆNH HÉO XANH VI KHUẨN TRÊN CÂY HỌ CÀ VÀ HỌ BẦU BÍ

  • PHÒNG TRỪ BỆNH LOÉT TRÊN CÂY CÓ MÚI TRONG MÙA MƯA

  • PHÒNG TRỪ NHỆN HẠI TRÊN CÂY CÓ MÚI

  • Phòng trừ sâu hại trên cây bưởi