Bệnh chổi rồng trên cây nhãn và những điều cần lưu ý
Tác nhân gây bệnh
Theo những nghiên cứu mới nhất của Viện Cây ăn quả miền Nam đã xác định được tác nhân gây bệnh là do vi khuẩn thuộc nhóm GammaProteobacteria, vi khuẩn này không thể nuôi cấy, sống trong mạch dẫn của cây, đặt biệt là trên các đọt non, hoa. Đây là loài vi khuẩn mới chưa được định danh, nên cần có nhiều nghiên cứu sâu hơn, tuy nhiên việc xác định rõ tác nhân cũng chỉ có tác dụng về mặt khoa học và biện pháp phòng trừ đối với tác nhân gây bệnh là kém khả thi.
Trung gian ( môi giới) truyền bệnh
Bệnh được lan truyền qua trung gian truyền bệnh là nhện lông nhung (Eryophyes dimocarpi), nhện rất nhỏ không nhìn thấy bằng mắt thường, nhện có đặc điểm là vòng đời chỉ khoảng 8-15 ngày, trong 1 năm có thể hoàn thành 13-15 thế hệ (lứa), chúng phát triển và gây hại mạnh nhất trong những tháng mùa nắng, chúng tấn công gây hại và tryền bệnh từ rất sớm của các chồi non và nụ hoa ( khi chúng mới nhú), khi cây không có lá non, chúng chích hút trên lá già nhưng không lộ triệu chứng, nhưng chúng lưu tồn và sẽ tấn công trên các đọt non mới nhú và gây hại.
Trên vườn, nhện lông nhung còn tấn công các cây ký chủ khác như cây bồ ngót, cây bóng nẻ (cơm nguội) và các cây ăn trái khác như chôm chôm, bưởi. cam, quýt, chanh. Bệnh này nhiễm và gây hại nặng nhất trên giống nhãn tiêu da bò, kế đến là giống tiêu lá bầu, nhãn super. Trong khi đó giống nhãn long ít nhiễm hơn, đặc biệt là giống nhãn xuồng cơm vàng chưa thấy nhiễm bệnh này.
Biện pháp phòng trị
Để phòng trị tốt cần áp dụng biện pháp loại bỏ mầm bệnh (cắt bỏ cành nhiễm bệnh) và quản lý triệt để trung gian truyền bệnh là nhện lông nhung. Chúng ta có thể áp dụng những biện pháp sau đây:
- Giải pháp kỹ thuật
Giống:
+ Không nên nhân giống từ những cây nhiễm bệnh chổi trồng.
+ Ở những vùng nhãn tiêu da bò bị nhiễm chổi trồng nặng có thể áp dụng biện pháp ghép chuyển đổi giống nhãn xuồng cơm vàng có chất lượng ngon trên gốc ghép nhãn tiêu da bò bị nhiễm bệnh.
Kỹ thuật canh tác
+ Cắt bỏ toàn bộ các cành, lá, hoa bị nhiễm bệnh và đem đốt hoặc chất thành đống, phun thuốc trừ nhện và trùm lại bằng nilon để tránh nhện phát tán. Sau thu hoạch trái tiến hành cắt tỉa và dọn vệ sinh cho vườn cây giúp tán cây thông thoáng, giảm khả năng cư trú và gây hại của nhện (cắt cành sâu khoảng 50 cm, sau khi cắt phải phun thuốc trừ nhện lên tán lá ngay)
+ tránh để cành, lá tiếp xúc với mặt đất tạo điều kiện cho nhện di chuyển lên cây.
+ Không để cây ký chủ như bồ ngót, cây bóng nẻ trên vườn.
+ Nên bón phân cân đối để xử lý cho cây đọt non, ra hoa đồng loạt nhanh, đọt to khỏe để dễ quản lý nhện và hạn chế bệnh..
+ Việc tỉa chồi bệnh nên tiếp tục thực hiện nếu một số chồi mới vẫn còn xuất hiện bệnh.
+ Có thể áp dụng biện pháp phun nước áp lực lớn trong mùa nắng để cuốn trôi nhện, đồng thời tạo ẩm độ cao làm trứng nhện không nở được.
Biện pháp hóa học:
+ Biện pháp này chỉ áp dụng cho việc phòng trừ nhện ( không áp dụng đối với vi khuẩn gây bệnh trực tiếp). Khi quản lý được nhện càng triệt để thì biện pháp phòng trừ càng có hiệu quả cao.
+ sau khi cắt tỉa phải phun thuốc trừ nhện và thuốc gốc đồng ngay trên tán lá giúp loại bỏ nhện còn sót lại trên tán lá già và sát trùng vết thương do cắt tỉa.
+ Khi cây mới vừa nhú đọt non, ra hoa phải tiến hành phun xịt ngay bằng loại thuốc trừ nhện và nên thay đổi gốc thuốc và định kỳ phun thuốc trừ nhện (tùy theo thời gian cách ly của từng loại thuốc) cho đến khi lá vừa chuyển từ lá lụa có màu đồng sang màu xanh thì có thể ngưng thuốc.
+ Các thuốc có thể áp dụng như Kumulus 80DF. Pegasus 500ND, Ortus 5SC, Comite 75EC, Confidor, Alfamite 15EC, Dầu khoáng SK-Enspray 99EC, và một số thuốc trừ nhện khác.
+Khi áp dụng thuốc nên hòa dầu khoáng giúp thuốc lan tỏa tốt hơn và dẫn đến hiệu quả phòng trừ cao hơn, dầu khoáng cũng có tác dụng phòng trừ nhện rất tốt.
+ Biên pháp này chỉ hữu hiệu khi phun thuốc tiếp xúc trên toàn tán cây, lá.
+ Chú ý cơi đọt thứ hai thường phát triển bệnh nhiều hơn cơi đọt thứ nhất nên càng chú ý phun xịt và quản lý bệnh thật kỹ.
Tổ chức thực hiện quản lý bệnh trên diện rộng.
Trên đây là các biện pháp kỹ thuật bà con nông dân có thể áp dụng riêng lẻ, thật kỹ sẽ quản lý được bệnh trên vườn của mình, nhưng bệnh rất dễ quay trở lại do nguồn bệnh và trung gian từ các vườn xung quanh hoặc cây ký chủ phụ. Chính vì vậy cần hỗ trợ nông dân quản lý tổng hợp, áp dụng các giải pháp trên một cách đồng loạt trên diện rộng (tổ chức phun đồng loạt) thì mới mang lại hiệu quả cao, hạn chế sự tái nhiễm và bền vững.